Người Thụy Sĩ nói tiếng gì?
Người Anh nói tiếng Anh, người Đức nói tiếng Đức, người Pháp nói tiếng Pháp,... Vậy người Thụy Sĩ nói tiếng Thụy Sĩ đúng không? Xin thưa, không! Vậy người Thụy Sĩ nói tiếng gì?
Bạn không có nhiều thời gian? Dưới đây là những nội dung chính của bài viết "người Thụy Sĩ nói tiếng gì?":
Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ chính thức tiếng Đức, Pháp, Italia và Romansh
Tiếng Đức có số lượng người sử dụng nhiều nhất chiếm 64.9% dân số tập trung ở bắc, trung và đông Thụy Sĩ.
Tiếng Pháp phân bổ ở phía tây Thụy Sĩ đứng vị trí thứ 2 với 22.6% người sử dụng.
Tiếng Italia Thụy Sĩ đứng vị trí thứ 3 với 8.3% dân số, tập trung ở phía nam.
Tiếng Romansh chỉ chiếm 0.5% dân số.
Người Đức nói tiếng Đức (German), người Pháp nói tiếng Pháp (French), người Hà Lan nói tiếng Hà Lan (Dutch) nhưng người Thụy Sĩ không có ngôn ngữ riêng – tiếng Thụy Sĩ (Swiss) như các quốc gia trên.
Điều này bắt nguồn từ vị trí địa lý Thụy Sĩ khi nằm ở trung tâm, nơi giao nhau của các quốc gia châu Âu. Ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ chính là ngôn ngữ của những cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh. Đó là cộng đồng người dân nói tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romantsch (Romansh).
Thụy Sĩ không có ngôn ngữ chính thức riêng như các quốc gia khác. Tất cả 4 ngôn ngữ trên đều là ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ.
Vậy người Thụy Sĩ nói tất cả ngôn ngữ này?
Thụy Sĩ có biên giới phía Bắc giáp Đức, Nam giáp Ý, Tây giáp Pháp, Đông giáp Áo và Liechtenstein
Xin thưa không phải người Thụy Sĩ nói tất cả ngôn ngữ, mà nó còn phụ thuộc vào khu vực mà người Thụy Sĩ sống.
Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ chính thức, 3 trong số đó là những ngôn ngữ chung của châu Âu:
64.9% nói tiếng Đức
22.6% nói tiếng Pháp
8.3% nói tiếng Italia
0.5% nói tiếng Romansh.
1. Người Thụy Sĩ nói tiếng Đức
Số lượng: 4,459,323 người (2017)
Đầu tiên đó là tiếng Đức. Ngôn ngữ được sử dụng bởi khoảng 64.9% người Thụy Sĩ, tập trung ở miền bắc, trung và đông quốc gia. Tiếng Đức Thụy Sĩ hay theo cách gọi của người địa phương Schwyzerdütsch là tiếng Đức không được sử dụng rộng rãi bởi người Đức hoặc Áo. Nếu bạn nói tiếng Đức chuẩn khi đến đây chắc chắn bạn mất khá nhiều thời gian để hiểu được tiếng Đức của người Thụy Sĩ.
Ở các quốc gia khác việc sử dụng phương ngữ được xem là điều kỳ lạ, nhưng ở Thụy Sĩ việc này được khuyến khích. Mỗi khu vực, mỗi vùng, mỗi thị trấn nói tiếng địa phương của họ. Không ai từ bỏ cái riêng để tìm tiếng nói chung – Tiếng Đức Thụy Sĩ thông dụng. Chính vì người Thụy Sĩ tiếp tục sử dụng phương ngữ trong các cuộc chuyện trò hàng ngày và kinh doanh nên không có tiếng Đức Thụy Sĩ chung. Một ngôn ngữ thống nhất như tiếng Đức Thụy Sĩ trở thành nhiệm vụ bất khả thi!
2. Người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp
Số lượng: 1,607,865 người (2017)
Tiếng Pháp là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến thứ 2 tại Thụy Sĩ. Người Thụy Sĩ ở khu vực phía tây của đất nước, nơi có biên giới chung với nước Pháp sử dụng tiếng Pháp. Nếu bạn đến học tập ở các thành phố như Genève hoặc Lausanne thì tiếng Pháp trở nên hữu ích bởi đây là những nơi nói hoàn toàn bằng tiếng Pháp.
Tiếng Pháp chuẩn với tiếng Pháp của người Thụy Sĩ không có sự khác biệt rõ ràng như tiếng Đức Thụy Sĩ và tiếng Đức chuẩn. Mặc dù có sự khác biệt về từ vựng và cách diễn đạt, nhưng nhìn chung tiếng Pháp của người Thụy Sĩ không khác mấy so với tiếng Pháp tiêu chuẩn. Tất nhiên tiếng Pháp người Thụy Sĩ có một số từ khác biệt như septante và nonante, thay cho 70 và 90 của tiếng Pháp tiêu chuẩn (soixante-dix và quatre-vingt-dix).
Bản đồ phân bổ cộng đồng cư dân Thụy Sĩ
3. Người Thụy Sĩ nói tiếng Ý
Số lượng: 593,205 người (2017)
Cộng đồng người Thụy Sĩ nói tiếng Ý chiếm khoảng 8.3% dân số sống ở khu vực phía Nam Thụy Sĩ, nơi có biên giới giáp với Italia. Đây là cộng đồng ngôn ngữ lớn thứ ba của Thụy Sĩ.
Tiếng Ý của người Thụy Sĩ cũng không khác mấy so với tiếng Ý của người Ý. Điều này giống như tiếng Pháp của người Thụy Sĩ và tiếng Pháp của người Pháp. Người nói tiếng Ý có thể dễ dàng hiểu được bất kỳ người nói tiếng Ý nào trong vùng.
Hiện nay cộng đồng người nói tiếng Ý của Thụy Sĩ vào khoảng 350.000 người, chiếm 8.3% dân số của cả nước (8,42 triệu người). Tất nhiên cũng có những sự khác biệt nhỏ khi so sánh tiếng Ý của người Thụy Sĩ với tiếng Ý tiêu chuẩn.
Ở Ý khi bạn vào một tiệm bánh và đặt cho mình một chiếc bánh croissant nhưng khi đến Thụy sĩ nói tiếng Ý bạn sẽ phải đặt một chiếc bánh chifer. Người Ý Thụy Sĩ gọi giấy phép lái xe là Licenza di condurre dịch trực tiếp từ tiếng Pháp permis de conduire trong khi người Ý gọi là Patente.
4. Người Thụy Sĩ nói tiếng Romansh
Số lượng: 40,444 người (2017)
Tiếng Romansh là ngôn ngữ có cộng đồng người sử dụng ít nhất Thụy Sĩ. Ngôn ngữ này chỉ được công nhận từ năm 1996. Hiện nay, tiếng Romansh có khoảng 37.000 người sử dụng.
Ngôn ngữ này được sử dụng chính thức trong hành chính và giáo dục ở đông nam bang Grisons. Romansh là ngôn ngữ hệ Romance nhưng từ vựng và ngữ pháp vai mượn phần lớn từ tiếng Đức. Mặc dù là một ngôn ngữ nhỏ nhưng cộng đồng nói tiếng Romansh có 5 phương ngữ khác nhau. Điều này dẫn tới chính quyền Grisons phải giới thiệu một ngôn ngữ chung đáp ứng yêu cầu ở tất cả các địa phương.
5. Tổng kết
Người Thụy Sĩ nói 4 thứ tiếng Đức, Pháp, Ý và Roman. Trong đó tiếng Đức chiếm 2/3 dân số, tập trung vùng Luzern, Zurich, Basel nơi giáp với Đức và Áo. Cộng đồng người nói tiếng Pháp chiếm 1/3 dân số tập trung ở vùng Lausanne và Genève - khu vực giáp biên giới với Pháp. Khoảng 8,3% dân số nói tiếng Ý tập trung ở miền Nam, nơi giáp với Italia. Và còn lại khoảng 0,5% dân số nói tiếng Roman.
Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ nhưng được xem như ngôn ngữ thứ năm. Hầu hết giới trẻ đều nói được tiếng Anh. Tiếng Anh cũng là ngôn ngữ được sử dụng giảng dạy ở chương trình quản trị du lịch nhà hàng tại Thụy Sĩ.
Tìm hiểu về đa dạng ngôn ngữ tại Thụy Sĩ mời bạn đọc bài viết về Thụy Sĩ đất nước đa ngôn ngữ trên BBC.